Trong giao tiếp tiếng anh thì kỹ năng nghe tiếng anh đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi lẽ bạn sẽ chẳng thể giao tiếp tiếng anh nếu như không hiểu được người đối diện đang nói gì. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách để cải thiện kỹ năng nghe tiếng anh.
1. Nghe chủ đề yêu thích
Bạn thường dành thời gian để xem các chương trình mà chúng ta yêu thích và tìm hiểu về chúng. Thế nhưng bạn lại chẳng đủ kiên nhẫn để nghe những bài nghe tiếng anh trong giáo trình tiếng anh hay những bản tin thời sự nhàm chán. Đó là lý do vì sao những người học giao tiếp tiếng anh đều gặp khó khăn khi luyện nghe tiếng anh.
Vậy nên để việc luyện nghe tiếng anh hiệu quả hơn thì bạn nên kết hợp việc nghe những thứ yêu thích của mình bằng tiếng anh. Việc nghe tiếng anh với những chủ đề yêu thích sẽ giúp cho việc luyện nghe của bạn trở lên nhẹ nhàng hơn và dễ dàng hơn. Bạn sẽ cảm thấy việc luyện nghe tiếng anh giống như chơi vậy, bạn không chỉ được xem những gì mình yêu thích để giải trí mà còn luyện được khả năng nghe tiếng anh mỗi ngày tốt hơn.
Hiện nay trên youtube có rất nhiều các thể loại chương trình khác nhau được đưa lên. Bạn có thể xác định chủ đề yêu thích và dễ dàng tìm kiếm nó trên youtube. Ví dụ như các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, giải trí: Got Talent, Next Top Model…, chương trình về các thương vụ khởi nghiệp Shark Tank.
Thông qua các chương trình truyền hình thực tế như vậy bạn có thể có cơ hội được tiếp xúc với tiếng anh một cách tự nhiên nhất đồng thời bạn cũng có cơ hội được nghe cách phát âm tiếng anh theo tốc độ chuẩn của người bản xứ. Đặc biệt với những chương trình về các chủ đề nhất định như nấu ăn, kinh doanh, thời trang còn giúp bạn bổ sung thêm vốn từ vựng chuyên môn nữa.
Khi xem các chương trình này để đạt hiệu quả cao bạn không nên xem với phụ đề, không được cố gắng dịch từng câu nghe được sang tiếng việt mà hãy cố gắng đoán ý nghĩa qua các tình huống và ngữ cảnh. Sau đó bạn có thể xem lại lần 2 với phụ đề tiếng anh để hiểu được nội dung của chương trình mình đang xem.
2. Chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ
Việc chúng ta luyện nghe càng nhiều sẽ càng giúp chúng ta nghe tốt hơn. Tuy nhiên nếu khi mới bắt đầu nghe bạn đã nghe nội dung quá khó nghe thì sẽ rất dễ khiến bạn cảm thấy chán nản và nhanh chóng bỏ cuộc.
Vậy nên bạn hãy lựa chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ của mình. Đồng thời, khi nghe một nội dung để phát triển kỹ năng nghe hiểu thì bạn phải hiểu được 80% nội dung đó. Cho dù nó là ở dạng chương trình radio, chương trình tivi… bạn cũng cần phải hiểu được khoảng 80%, như vậy sẽ khiến bạn bớt cảm thấy chán hơn. Sau khi đã hiểu hết được nội dung của bài nói đó thì bạn hãy tăng độ khó của bài nói lên như vậy mới giúp bạn có thêm hứng thú để tiếp tục luyện nghe hơn.
3. Nghe, đọc và lặp lại những gì được nghe
Đây là một trong những cách mà hầu hết những người luyện nghe đều áp dụng. Đầu tiên bạn hãy bắt đầu bằng việc nghe một đoạn văn nhưng không dịch sang tiếng việt mà cố gắng hiểu ý chính của đoạn văn đó. Sau đó bạn nghe lại lần nữa nhưng lần này bạn có thể đọc script để hiểu nội dung của đoạn văn đó.
Khi bạn vừa nghe vừa đọc lại, não bộ sẽ ghép âm nghe được của từ với các ký tự của từ đó. Nhờ vậy chúng ta có thể ôn lại được các từ vựng và có thể học thêm được các từ mới một cách chủ động dưới dạng âm thanh.
Sau khi đã hiểu được nội dung của đoạn văn đó rồi, bạn hãy nghe và lặp lại những gì mình nghe được, cố gắng bắt chước theo những gì bạn nghe được cả về cách nhấn nhá trọng âm, ngữ điệu nữa. Cách này không chỉ giúp bạn luyện nghe tốt hơn mà còn giúp bạn có thể luyện cả kỹ năng nói của mình nữa.
Cách nghe này cũng giống như phương pháp Shadowing hay còn gọi là phương pháp nói đuổi. Tác dụng của phương pháp này là giúp người nghe có thể luyện nói được theo tốc độ nói của người bản xứ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
4. Đoán từ, ý của bài nghe
Một trong những kỹ năng giúp bạn nghe tốt hơn và tăng hứng thú cho bạn trong việc luyện nghe đó là đoán ý. Hãy đoán về những gì mình sắp được nghe và chuẩn bị sẵn những từ vựng về chủ đề mà mình sắp được nghe giúp bạn chuẩn bị tâm thế tốt hơn để nghe bài nghe đó. Ví dụ nếu bài bạn nghe về chuyến ghé thăm một bảo tàng lịch sử, khi đó bạn hãy đoán những từ vựng về lịch sử mà bạn có thể sẽ được nghe trong bài trước.
Trong bài nghe dù bạn có chuẩn bị trước từ vựng nhưng đôi khi bạn vẫn sẽ gặp phải những từ vựng mà mình không biết. Khi đó thay vì tra từ điển ngay thì bạn hãy thử đoán nghĩa của từ đó dựa trên những dữ kiện trong bài nghe. Sau đó bạn hãy tra từ điển, nhờ vậy giúp bạn nhớ từ vựng đó lâu hơn.
Leave a Reply